Sunday, September 1, 2013

LỊCH SỬ CHIẾN TRANH VIỆT NAM



Sau thất bại chua cay, nhục nhả của đảng cộng sản Việt Nam trong cái gọI là  "Xô-Viết Nghệ-Tỉnh" những năm 30-31, Hồ chí Minh triệu tập hội nghị ở Tsin-Tsi (nước Tàu) để duyệt lại toàn bộ chính sách đối với tình hình Việt Nam; đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Komintern trong giai đoạn sắp tới. Mệnh lệnh của Komintern là phải dấu thật kỹ hình tích cộng sản khoác bên ngoài vỏ bọc "yêu nước", mang tinh thần "quốc gia chống thực dân đế quốc"...và đó cũng là nguyên nhân đưa đến hình thành Mặt trận Việt Minh để thu hút mọi thành phần dân tộc đấu tranh chống thực dân giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của họ Hồ. Do sự lợi dụng được tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân Việt để phục vụ Komintern của Hồ chí Minh, cũng như sự khát khao độc lập của toàn dân nên đảng cộng sản Việt Nam đã không gặp khó khăn đáng kể trong việc chiếm chánh quyền ngày 19/08/1945. Họ đã mở ra một kỷ nguyên với núi xương sông máu chập chùng của tộc Việt cho sự nghiệp bành trướng chủ nghĩa cộng sản quốc tế.

Năm 1937 tại Á Châu , quân Nhật chiếm Thượng Hải, bên Âu châu quân Ðức tiến đánh Ba Lan năm 1939 mở màn cho thế chiến thứ hai. Cuộc thế chiến đã lôi kéo nước ta vào một khúc quành bi thảm. Năm 1940 Nhật buộc Pháp phải cho họ đóng quân tại Ðông Dương trước hết để kiểm soát và ngăn chặn đường tiếp tế vũ khí từ Hải Phòng sang Vân Nam cho Tưởng Giới Thạch, kế đó làm bàn đạp mở rộng cuộc xâm lăng Ðông Nam Á ngõ hầu thành lập khối Ðại Ðông Á. Pháp bại trận đầu hàng Ðức ngày 22-6-1940, đất nước bị Quốc Xã chiếm đóng thực dân Ðông Dương yếu thế lắm nên phải chịu để Nhật vào theo thoả ước ký kết giữa hai bên ngày 8-9-1940 .

Nhật công nhận chủ quyền của Pháp tại Ðông Dương, bộ máy cai trị của Pháp vẫn được giữ nguyên nhưng trên thực tế Nhật bắt Pháp phải làm tay sai cho chúng. Ngẫu nhiên dân ta lại bị rơi vào cảnh một cổ hai chòng, bọn phát xít còn bóc lột xương tủy khủng khiếp hơn thực dân gấp mười lần. Chúng vơ vét thóc gạo, ngô, cao xu, than đá, quặng sắt, mỏ kim loại. . chở sang Nhật. Mặc dù Pháp bại trận, đất nước bị Ðức chiếm đóng, tại Ðông Dương quân Nhật đóng khắp nơi thế mà Pháp vẫn ngang nhiên cai trị ta, vẫn duyệt binh, ra lệnh, bắt bớ, trừng phạt, thăng thưởng. . vẫn đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta.

Từ năm 1942 trở đi, Ðông Dương, Việt Nam luôn bị máy bay Ðồng Minh bắn phá, cuối năm 1943 ga xe lửa Gia Lâm, Hà Nội bị ném bom khiến hằng ngàn người chết, bị thương. Bom đạn, thóc cao gạo kém. . . người dân khốn khổ trăm bề. Nhật buộc Pháp phải cung cấp lúa gạo cho chúng. Tính từ năm 1941 đến 1944 trung bình một năm Việt Nam phải cung cấp cho Nhật một số lượng thóc khổng lồ khoảng gần một triệu tấn, chúng thu mua thóc gạo của dân với giá rẻ để nuôi quân và chở về nước. Cho tới 1945 có hơn một triệïu quân Nhật đóng tại Việt Nam, chúng đốt thóc chế cồn thay săng, bắt dân bỏ lúa trồng đay, thu mua ngô để nuôi ngựa . . đã gây lên nạn đói năm 1945.

Hồi ấy các trục lộ giao thông hay bị máy bay Ðồng minh bắn phá dữ dội, gạo trong Nam không chở được ra Bắc, dân Hà Nội nối đuôi nhau đong gạo, nhà nghèo đã phải nấu cháo, trẻ con nhiều đứa mặt mày lem luốc đi bới đống rác kiếm ăn. Hội từ thiện lập trại tạm trú nấu cháo giúp những người nhà quê lên xin ăn nhưng chẳng thấm tháp vào đâu, y như muối bỏ biển. Dân quê đổ sô nhau lên các tỉnh như Hà Nội, Hà Ðông. . tưởng là kiếm ăn được ở những nơi thị tứ giầu có nhưng nơi đây gạo cũng chỉ vừa đủ ăn cho dân trong tỉnh. Nhiều người kiệt sức ngã gục ngoài đường phố, xe bò chở người chết vào nhà xác ngày một nhiều hơn. Tại nhà quê, nhiều vùng chết cả nhà, cả xóm, cả làng. Người ta đào củ chuối lên ăn, bắt chim, chuột, chó mèo. . làm thịt rồi chim chuột cũng hết, người dân chết đói như rạ vậy.

Nạn đói năm Ất Dậu 1945, khiến hai triệu người Việt Nam tử vong. Thủ phạm chính yếu là thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, kẻ đồng phạm là đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy trong mấy mươi năm qua, cộng sản Việt Nam chưa hề làm lễ giỗ cho các nạn nhân chết đói năm xưa, cũng như chưa bao giờ lên tiếng đòi hỏi chính phủ Nhật Bản xin lỗi về cái chết của hai triệu người Việt do quân phiệt Nhật gây ra năm 1945.

Nạn đói kéo dài từ mùa đông năm 1944 đến tháng 5-1945, toàn quyền Decoux ước lượng có vào khoảng hơn một triệu người chết đói nhưng con số theo nhiều người ước lượng lại cao hơn thế nhiều. Tỉnh Thái Bình dân số 700,000 người đã có 260,000 người chết, tỉnh Nam Ðịnh dân số 680,000 người, chết đói 230,000 người, Ninh Bình dân số 200,000 người chết đói 38,000 người. . . nạn đói kéo dài từ Quảng Trị ra Bắc. Ngoài ra các thương gia Hoa kiều đầu cơ tích trữ cũng là một trong những nguyên nhân nạn đói. Trong khi dân ta chết đói đầy đường đầy chợ, các kho thóc lúa của Nhật vẫn đầy ắp nhưng bọn phát xít vẫn không chịu mở kho cứu đói với thâm ý không cho dân ta trỗi dậy để chống lại chúng.

Tình hình thế giới biến chuyển nhanh mang nhiều thuận lợi cho việc giành độc lập, Thế chiến thứ hai đã đến hồi gần kết thúc, Ðồng Minh Anh Mỹ bắt đầu tiến vào phía tây nước Ðức, quân Nga tiến vào phía đông theo thế gọng kìm. Tại Ðông Dương Nhật biết Pháp sẽ làm nội ứng cho Ðồng Minh nên ra tay trước. Ðại sứ Nhật tại Ðông Dương Matsumoto đến dinh Norodom tại Sài Gòn chiều ngày 9-3-1945 yêu cầu Toàn quyền Ðông Dương Decoux phải đặt tất cả các lực lượng Pháp dưới quyền điều khiển của Nhật. Tám giờ rưỡi tối ấy Decoux từ chối, Nhật bèn mở cuộc tấn công trên toàn cõi Ðông Dương, họ đốt thêm pháo cối nổ đùng đùng, hai mươi bốn giờ sau, quân Pháp sợ quá đầu hàng.

Nhật tuyên bố đã đánh đổ Pháp trao trả nền độc lập cho Việt Nam. Ðại Sứ Nhật vào yết kiến vua Bảo Ðại và xin ngài hợp tác với Nhật. Bảo Ðại tuyên bố độc lập, ngày 10-3-1945 gia nhập khối Ðại Ðông Á, nhà vua ban hành tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945 và mời giáo sư Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Nội các được thành lập ngày 17-4-1945, lấy bài Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước làm quốc ca, lấy cờ vàng quẻ ly gồm hai vạch liền và vạch gẫy ở giữa làm quốc kỳ.

Hai tuần sau khi thủ tướng Trần Trọng Kim thành lập nội các, ngày 30-4-1945 Bá Linh thất thủ, Hitler tự sát, mặt trận châu Âu hoàn toàn kết thúc, các lực lượng Ðồng Minh được dồn lại để đánh quân Nhật. Hàng đàn hàng đàn máy bay đi đánh chìm tầu chiến Nhật tại Thái Bình Dương, đế quốc Nhật đang dẫy chết. Mỹ đổ bộ chiếm Okinawa, từng đoàn oanh tạc cơ khổng lồ B29 dội bom ồ ạt xuống đất nước Mặt trời mọc, sáu mươi thành phố lớn của Nhật bốc cháy dữ dội, khoảng một triệu người bị vùi thây dưới các đống gạch vụn, ai gieo gió thì kẻ ấy gặt bão. 

Ngày 6-8-1945 tổng thống Mỹ Truman ra lệnh ném bom nguyên tử xuống Hiroshima để sớm kết thúc chiến tranh, sau ba ngày nghe ngóng, phía Mỹ không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ Nhật muốn đầu hàng. Một quả nữa được ném xuống Nagasaki ngày 8-8, hai lần ném bom đã giết hại mấy trăm nghìn người, Mỹ hẹn cho Nhật trong ba ngày phải đầu hàng vô điều kiện, nếu không sẽ san bằng Ðông Kinh. Nhật hoàng sợ quá phải tuyên bố đầu hàng ngày 10-8, ông nói cho dân Nhật biết địch đã có vũ khí mới vô cùng nguy hiểm.

Thủ tướng Trần Trọng Kim xin từ chức ngày 7-8 vì bất lực, chính phủ không có quân đội nhưng được lưu nhiệm xử lý thường vu,ï khi ấy tình hình trong nước rất lộn xộn. Khâm sai đại thần của triều đình tại Hà Nội, ông Phan kế Toại đã liên lạc các đảng phái quốc gia tìm phương cứu nước nhưng Trung ương đảng còn ở xa tận bên Trung Hoa. Ngày 17-8 Bảo Ðại kêu gọi các nhà lãnh đạo đồng minh Truman, Churchill, De Gaulle… để xin công nhận nền độc lập của Việt Nam. Nhật đầu hàng trao trả Nam kỳ lại cho triều đình Huế

Lúc ba giờ chiều ngày 17-8 Tổng Hội Công Chức tổ chức một cuộc biểu tình trước nhà hát lớn để ủng hộ chính phủ thu hồi chủ quyền. Hàng vạn người đứng đầy đường Paulbert, người đi xem rất đông, trên bao lơn nhà hát lớn, cờ quẻ ly được kéo lên. Mọi người hát vang bài Tiếng Gọi Thanh Niên và hoan hô chính phủ Trần Trọng Kim thu hồi độc lập, họ hô to Việt Nam độc lập muôn năm, nhưng lại có kẻ lẻn vào hàng ngũ công chức dơ cờ đỏ sao vàng lên hoan hô Mặt trận Việt Minh.

Ðoàn biểu tình chuyển hướng qua các đường phố, rồi bỗng có mấy anh mặc áo đen quần đùi nhập vào phất cờ đỏ sao vàng, dơ súng lục bắn chỉ thiên hô to “Mặt trận giải phóng muôn năm”, mới đầu có vài người hô theo sau rồi hàng trăm, hàng nghìn người hô theo phần vì thấy súng bắn sợ quá. Sau cuộc biểu tình Việt Minh phân phát cờ đỏ sao vàng cho dân chúng để đón quân giải phóng sắp ở chiến khu về. Hàng trăm, hàng ngàn người vào Bắc bộ phủ hô đả đảo phát xít, hoan hô giải phóng, hô hào dân chúng đi chiếm các công sở, khi ấy trống ngũ liên nổi lên, đê làng Ðông lao, Hà Ðông bị vỡ, nước tràn vào đồng ruộng. Khâm sai triều đình Phan Kế Toại từ chức trao quyền cho Việt Minh vì quá sợ hãi, và cũng vì con là Phan kế Bảo theo Việt Minh về móc nối bố. Ngày 19-8 Việt Minh phát cờ tay cho dân chúng kêu gọi tham gia ủng hộ Mặt Trận.

Ngày 21-8 tại Huế phong trào Việt Minh bừng nổi dậy. Ðại sứ Nhật đã nhận được chỉ thị của Ðông Kinh phải giữ ngôi cho Hoàng đế Bảo Ðại, ông ta cũng thấy khó chịu trước những trò chướng tai gai mắt của Việt Minh nên đã bàn với Thủ tướng Trần Trọng Kim như sau:
Mặc dù nước Nhật đã đầu hàng Ðồng Minh nhưng quân đội Nhật tại đây vẫn có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự cho tới khi quân đội Ðồng minh đến tiếp thu. Xin ngài hãy làm văn thư yêu cầu để chúng tôi tái lập trật tự.

Nhưng vì sợ trách nhiệm với Ðồng minh sau này, phần sợ mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà và cũng vì muốn giữ tiếng thơm trước lịch sử, Thủ tướng đã từ chối sự giúp đỡ của họ. Ðại sứ Nhật cũng vào yết kiến Bảo Ðại xin nhà vua cho phép dẹp loạn tái lập trật tự để bảo vệ ngai vàng nhưng Ngài cũng từ chối. Ðức Kim Thượng và Thủ tướng đã bỏ lỡ cơ hội nghìn năm một thuở để cứu đất nước vào giờ chót. Vì thiếu can đảm, sợ trách nhiệm với quân đội Ðồng minh sau này các Ngài đã vô tình để cho đại hoạ giáng lên đầu trăm họ và còn di hại đến muôn đời.

Tại Bắc bộ phủ, phó lãnh sự Nhật cũng đến gặp bác sĩ Nguyễn xuân Chữ Chủ tịch Ủûy ban giám đốc chính trị miền Bắc và bầy tỏ thiện chí.
-Chúng tôi hiện đặt dưới sự điều động của các ngài.
Nhưng bác sĩ cũng lờ đi, cơ hội bằng vàng đã qua đi không bao giờ trở lại để rồi đất nước bị rẽ vào một khúc quành vô cùng bi đát.

Ngày 22-8 Việt Minh gửi công điện yêu cầu Bảo Ðại thoái vị, họ đã cướp được chính quyền. Bảo Ðại tuyên bố chấp nhận thoái vị, từ bỏ ngai vàng vì nền độc lập của đất nước. Ngày 25-8 hàng mấy vạn người tụ tập trước Ngọ Môn Lâu xem nhà vua thoái vị, Ngài tuyên bố:
-Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.
Sau đó Ngài trao ấn, kiếm cho đại diện Việt Minh Trần Huy Liệu và được gắn huy chương công dân Vĩnh Thụy. Khi vua Bảo Ðại chính thức thoái vị, Hồ Chí Minh ở Tân Trào mới về Hà Nội, người ta vẫn chưa biết Hồ Chí Minh là ai. Trong khi ấy tại Sài Gòn Ðức Huỳnh Phú Sổ kết hợp các đoàn thể quốc gia Cao Ðài, Hoà Hảo, Việt Nam Quốc Dân đảng, Ðại Việt… thành Mặt Trận Quốc Gia Việt Nam Thống Nhất, tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại chống Pháp.

Ngày 2-9 tại công viên Ba Ðình Hà Nội Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, lấy bài Tiến Quân Ca của Văn Cao làm Quốc ca, hôm ấy có cử bài Quốc ca Mỹ, người bạn đồng minh đã giúp đỡ họ nhiều vũ khí chống Nhật. Việt Minh cướp chính quyền rập khuôn theo sách lược của Lénine trong cuộc cách mạng vô sản tại Nga năm 1917, áp dụng triệt để bạo lực cách mạng: thủ tiêu, bắn giết, chôn sống… hằng hà sa số người Quốc gia, tình nghi, những kẻ không theo hoặc chống lại họ. Tại miền Nam, Việt Minh giết hại nhiều tín đồ Hoà Hảo, Cao Ðài. Ngày 8-9-1945 chính phủ lâm thời Việt Minh quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến, tổ chức quyên vàng mua súng.

Khi Pháp bị Nhật đảo chính 9-3-1945, Việt Minh thừa cơ phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu, thu được nhiều súng ống. Tháng 6-1945 Mỹ thả dù xuống chiến khu Việt Minh, cung cấp cho Hồ chí Minh khoảng năm ngàn khẩu súng đủ loại để chống Nhật, cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, quân Tầu sang giải giới Nhật, Hồ chí Minh cho tổ chức tuần lễ quyên góp vàng, dùng tiền bạc, gái đẹp, thuốc phiện hối lộ tướng Lư Hán nên đã không bị Lư Hán lật đổ theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Việt Minh lại mua được nhiều súng lậu của các thương gia Hoa kiều, của Quốc Dân Ðảng Trung Hoa. Ðầu năm 1946 họ đã có khoảng hai mươi ngàn quân, cuối 1946 có tám vạn súng đủ các loại kể cả súng cối. Cuối 1946, quân đội Việt Minh có vào khoảng ba chục ngàn người phía trên vĩ tuyến 16.

Ngày 6-9-1945 quân Anh tới Sài gòn để giải giới quân Nhật, Pháp theo chân Anh tới miền Nam, Anh công nhận chủ quyền của Pháp. Kế đó Pháp chiếm Sài Gòn, Vũng Tầu, Gò Công, Vĩnh Long, Cao nguyên Trung phần, kháng chiến Nam bộ bùng nổ. Tại miền Bắc, ba ngày sau gần hai trăm ngàn quân Tầu của tướng Lư Hán sang giải giới Nhật, một đạo quân đói rách ô hợp mang theo cả nồi niêu xoong chảo, dắt díu vợ con theo sang ăn hại nước ta, các quan Tầu làm thịt chó, hút thuốc phiện rất bệ rạc. Các lực lượng Quốc gia như Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội của cụ Nguyễn Hải Thần, Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Vũ Hồng Khanh theo chân quân Tầu về nước. Tướng Lư Hán theo lệnh của Nam Kinh buộc các Ủy ban cách mạng Việt Minh tại Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Bắc Ninh… phải giao lại cho Việt Quốc và Việt Cách. Trước khi Lư Hán đem quân sang, Tưởng Giới Thạch đã lệnh cho Lư phải lật đổ chính quyền Cộng Sản nhưng Hồ đã cho quyên vàng hối lộ Lư Hán, Lư đã không thi hành lệnh của Tưởng.

Tranh chấp giữa Quốc Gia và Việt Minh bùng nổ. Việt Cách, Việt Quốc ra báo, tổ chức diễn thuyết mạt sát Việt Minh lừa bịp các đảng phái quốc gia, âm mưu lập chế độ Cộng sản. Việt Minh mạnh hơn vì đã chiếm được chính quyền , các đảng phái Quốc Gia trở về nước trễ, không lôi cuốn được quần chúng. Mỹ là người đầu tiên giúp khí giới cho Việt Minh từ tháng 6-1945 để cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi và kháng chiến chống Nhật. Từ đó Mỹ liên hệ sát cánh với Hồ Chí Minh. Trước áp lực của Lư Hán đóng quân lì ra không chịu về, phe Quốc gia và Hồ chí Minh thành lập Chính phủ Liên hiệp, Việt Minh nhường cho Việt Cách, Việt Quốc 70 ghế trong Quốc Hội. Tổ chức bầu cử Quốc Hội từ 1-9-1945 đến 6-1-1946, bầu cử không tự do, cử tri bỏ phiếu cho những người đã được chỉ định sẵn.

Trong khi ấy Pháp vận động với Tưởng Giới Thạch cho Pháp thay Tầu giải giới quân Nhật, hai bên ký Hiệp ước Trùng Khánh ngày 28-2-1946 cho phép Pháp lên trên vĩ tuyến 16 với lý do chính thức: giải giới quân Nhật. Ðổi lại Pháp sẽ trả lại các tô giới cũ, nhượng cho Tầu quãng đường xe lửa Vân Nam, Lào Kay, Vân Nam Phủ, ưu đãi Hoa Kiều ở Ðông Dương. Tưởng Giới Thạch thấy không can thiệp được vào Việt Nam vì phe Quốc gia chia rẽ, không lôi cuốn được quần chúng, chẳng lẽ để Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản nên ông bèn để cho Pháp trở lại.

Pháp đòi đem quân ra Bắc, Hồ Chí Minh vận động nhờ Mỹ can thiệp không cho Pháp trở lại. Người Mỹ yêu cầu Hồ từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, bỏ lá cờ đỏ thắm như máu của Cộng Sản Quốc tế thì sẽ đuổi không cho Pháp trở lại vì họ còn lệ thuộc vào viện trợ tái thiết của Mỹ. Hồ không chấp thuận lời yêu cầu ấy nên Mỹ đã để mặc cho Pháp lộng hành cuối cùng Hồ phải để cho Pháp ra Hà Nội thay Tầu. Ngày 18-3-1946 quân Pháp ở Hải Phòng tiến về Hà Nội, Hồ chí Minh với tư cách chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã long trọng đưa tay thề trước quốc dân :"Thề không điều đình với Pháp". Thế nhưng để củng cố vị thế chính trị của ông ta và đảng cộng sản, họ Hồ đã bí mật điều đình với Pháp (qua Sainteny) ký Hiệp ước Sơ Bộ ngày 6/3/1946 để đem Pháp trở lại chiếm đóng Đông Dương, cùng Pháp phân chia lợi nhuận, nhất là được Pháp công nhận và mượn tay thực dân tiêu diệt các đảng phái Quốc gia.

Tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Việt Minh chỉ điểm cho Pháp bắt bớ tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia. Tháng 7-1946 Võ Nguyên Giáp chỉ huy tấn công lực lượng Việt Nam Quốc Dân đảng các tỉnh Thượng du, như Bắùc Ninh, Lạng Sơn, Bằng Giang, họ giết cả tù binh, tàn sát dã man các thương binh, đó là những ngày khởi đầu của cuộc chiến tranh Quốc - Cộng. Việt Minh được Pháp tiếp tế đạn dược đầy đủ nên đã đè bẹp các lực lượng Việt Quốc, Việt Cách, tàn quân của Quốc gia còn độ một nghìn người chạy trốn sang Tầu. 

Khi chính phủ cánh hữu lên cầm quyền ở Pháp , Pháp không muốn điều đình tiếp với cộng sản Việt Nam (tức Việt minh), và quân Pháp đã tấn công Việt minh cũng như các tổ chức quốc gia Việt Nam. Lo sợ bị tiêu diệt, Hồ chí Minh bất đắc dĩ phát động ngày "toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 !!! ". Cuối tháng 10-1946 Pháp cho tầu chiến bắn phá Hải Phòng chết sáu, bẩy ngàn người dân vô tội. Ngày 20-11-1946 Pháp xua quân chiếm Hải Phòng. Tự vệ thành chiến đấu rất anh dũng, hằng trăm người hy sinh, quân Pháp tràn vào các khu phố, bắn giết cả thường dân, những người thương binh quằn quại trên vũng máu cũng bị tàn sát hết. Tại Hà Nội, Pháp ngày càng gây hấn hơn trước, đầu tháng 12 chúng ném lưu đạn vào các đồn Tự vệ. Chính phủ Việt Minh và Vệ Quốc quân rút về Hà Ðông. Từ trung tuần tháng 12 đã có lệnh tản cư dân chúng ra khỏi Thủ đô để Tự vệ dễ chiến đấu, các nhà đục tường thông nhau, chỉ những người chiến đấu ở lại. 

Từ chiều 19-12-1946, quân Pháp được lệnh cắm trại vì có tin Việt Minh âm mưu ám sát lính đi la cà ngoài phố, đến nửa đêm Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công các trại lính Tây. Nhiều sĩ quan Nhật theo Việt Minh chỉ huy trận đánh, để chạy tháo thân họ thả mấy trăm con rắn ở viện Pasteur. Vệï Quốc quân đã rút từ trước để Tự vệ thành ở lại làm bia đỡ đạn, đa số là các thanh niên học sinh, họ chiến đấu rất anh dũng. Sau lực lượng Tự vệ trở thành Trung đoàn Thủ đô, súng ống đạn duợc thiếu thốn, họ hy sinh cả ngàn người, cầm cự được hai tháng mới rút khỏi Hà Nội. Quân Pháp tràn vào bắn giết cả thương binh, thường dân vô tội.

Tháng 9 năm 1947, Pháp chính thức trao trả độc lập cho Việt Nam với vua Bảo Đại qua Hiệp Ước Vịnh Hạ Long ký ngày 5 tháng 6 năm 1948.Vua Bảo Đại chọn mẫu cờ vàng ba sọc đỏ của Họa Sĩ Lê Văn Đệ vẽ nối dài 3 vạch đỏ của cờ Quẻ Càn) làm quốc kỳ và bản “Tiếng Gọi Sinh Viên” sau đổi là “Tiếng Gọi Thanh Niên”của Lưu Hữu Phước làm Quốc Ca. 

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Một thành tựu ngoại giao của Quốc gia Việt Nam là việc thâu hồi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tay Nhật Bản vừa mới thất trận tại Hội nghị San Francisco Tháng Chín năm 1951. Cộng sản Việt Nam (Việt Minh) đã giành độc quyền kháng chiến bằng cách loại bỏ thẳng tay (tàn sát) những thành phần dân tộc không cộng sản. Do nguyên nhân đó, những thành phần dân tộc đã thấy ra nhu cầu cần kết hợp thành một lực lượng quân sự duy nhất để chống lại cộng sản, nên bất đắc dĩ phải đứng chung chiến tuyến vói Pháp. 

Từ ý niệm đó đã hình thành Quân Đội Quốc Gia Việt Nam từ năm 1946 và chính thức hình thành vào năm 1950. Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân Ðội Quốc Gia với lập trường chống Cộng, gia tăng quân số lên 60,000 người. Ngày 5 tháng 5 năm 1951, Bộ Quốc Phòng Việt Nam mới thật sự thành hình. Cuối năm 1951, quân số dưới cờ lên tới 110,000 người. Các đơn vị nồng cốt gồm:

- Tiểu đoàn Nhẩy Dù
- Ðại Ðội 1 & 3 Truyền Tin
- Chi Ðoàn I Thám Thính Xa
- Tiểu Ðoàn Pháo Binh
- Ðại Ðội 2 & 3 Công Binh

Từ 1952-1954, các quân binh chủng, các quân trường đã được thành lập đầy đủ để đáp ứng với nhu cầu bảo vệ đất nước. Kể từ đầu năm 1953 cho tới khi ký kết hiệp định Geneve 1954, có 4 sự kiện đáng ghi nhớ: 1/ Phát triển các bộ tham mưu, các bộ chỉ huy từ trung ương đến các quân khu, tiểu khu theo hệ thống của quân đội chuyên nghiệp; 2/ Thành lập thêm Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và 54 tiểu đoàn khinh quân; 3/ Thành lập 15 liên đoàn bộ binh và 1 liên đoàn nhẩy dù; 4/ Phía Pháp bàn giao dần vùng trách nhiệm an ninh cho Quân Đội như các tiểu khu Mỹ Tho (Nam Việt), Hưng Yên, và Bùi Chu (Bắc Việt). 

Ngày 12 tháng 4 năm 1954, thủ tướng Bửu Lộc ban hành lệnh tổng động viên. Ngày 16 tháng 6 năm 1954 ông Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng của Quốc Gia Việt Nam. Lúc đó Pháp đang gặp khó khăn trên chiến trường, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ, nên quyết định tổ chức hội nghị chia đôi nước Việt Nam và quân Pháp có thể rút khỏi VN trong danh dự. Hội nghị Genève diễn ra ngày 20/07/1954 gồm có Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ (Quốc Gia Việt Nam), Phạm văn Đồng đại diện miền Bắc Việt Nam, ngoại trưởng Anh Anthony Eden làm chủ tịch hội nghị. Ngoài ra còn có đại diện các nước Pháp, Trung cộng, Nga v.v..Cộng sản Việt Nam thoả hiệp với thực dân Pháp chia đôi đất nước Việt Nam. 

Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ kịch liệt phản đối sự chia đôi này và không ký vào văn bản của hiệp định. Hoa Kỳ cũng không ký vào văn bản. Ở Hà Nội khi nghe tin đất nước VN bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, các tổ chức quốc quốc gia tập hợp thành một mặt trận chống cộng và phản đối kịch liệt, đồng thời quyết định tổ chức cướp chính quyền và ở lại chiến đấu giữ cố đô Thăng Long. Mọi việc đang được chuẩn bị chu đáo, thì giữa chừng bị bỏ dỡ, vì Đỗ Đình Đạo (cán bộ VNQĐD) bị Thụy An (tay sai thực dân Pháp và cộng sản) đầu độc chết. Các tổ chức quốc gia dân tộc đành phải đau đớn rời khỏi kinh thành Thăng Long yêu quý theo quy định của hiệp định. 

Ngày 22/07/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ toàn Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để bày tỏ quan điểm chống đối chia đôi đất nước.


Tài Liệu online